Site icon 33WIN

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào – “sức mạnh mềm” vượt bão, lũ

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào - "sức mạnh mềm" vượt bão, lũ - Ảnh 1.

Cơn bão số 3 ập đến, để lại những dư chấn, mất mát, đau thương về người, tài sản cho những tỉnh, thành phố phía Bắc. Nhưng miền Bắc không bao giờ đơn độc. Hàng triệu trái tim đồng bào cả nước đang cùng chung nhịp đập hướng về vùng tâm lũ. 

Càng trong thử thách, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt lại càng sáng lên, vươn lên mạnh mẽ, cùng nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn. Những hành động mang ý nghĩa nhân văn của các cá nhân, tổ chức đã và đang nhanh chóng trở thành “làn sóng” lan tỏa tấm lòng nhân ái, rộng khắp trong toàn xã hội.

Tỏa sáng tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Chấp chới những cánh tay kêu cứu qua mái ngói, những thân người nửa chìm nửa nổi, những gương mặt hoảng sợ, thất thần của những cụ già, em nhỏ, những tiếng khóc xé ruột của các em bé khát sữa, đói ăn, những tiếng gào khóc ai oán của những gia đình mất đi người thân do chìm trong lũ dữ hay vùi sâu trong bùn đất… Trước sự cuồng nộ của thiên nhiên, sức người, tính mạng con người trở nên hết sức mỏng manh. Nhưng chính trong lúc khó khăn, hoạn nạn đó, lòng nhân ái như ngọn lửa ấm tiềm tàng trong mỗi trái tim Việt Nam lại bùng cháy mạnh mẽ.

Để khắc phục hậu quả cơn bão, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, các sở, ban, ngành và các địa phương dầm mình trong mưa, băng qua nước lũ để đến tận nơi người dân đang cần sự giúp đỡ, cứu trợ; chia sẻ, động viên, đau cùng nỗi đau của mỗi hoàn cảnh, trăn trở để có các giải pháp tốt nhất giúp người dân được đảm bảo cuộc sống, từ bữa ăn, chai nước, viên thuốc… Trong thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, sáng ngày 9/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào ta ở trong và ngoài nước trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và khả năng, điều kiện tiếp tục phát huy mạnh mẽ “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất, đến tận tay các gia đình bị thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra”.

Ngày 11/9/2024, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với quan điểm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, người dân làm chủ”, thực hiện mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, nhất là mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão. Yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức ứng trực 24/24 giờ để ứng phó, giải quyết các vấn đề khẩn cấp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị, địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tập trung lực lượng, hỗ trợ địa phương, cơ quan, người dân bị thiệt hại, trên tinh thần “ai có của giúp của, ai có công giúp công, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều”, “lá lành đùm lá rách”, “tương thân, tương ái”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, xuất phát từ truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, những hoạt động thiết thực, kịp thời rất nhanh chóng được thiết lập. Cả nước từng nhiều lần hướng về “khúc ruột” miền Trung mỗi mùa bão lũ. Cả nước cũng từng “tất cả vì miền Nam ruột thịt” trong kháng chiến chống Mỹ, hay chi viện cho miền Nam trong đại dịch COVID-19. Và giờ là miền Bắc với trận cuồng phong lịch sử, cả nước cùng “hướng về miền Bắc”.

Từ khắp mọi miền Tổ quốc: Miền Tây, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, khúc ruột miền Trung đâu đâu cũng bắt gặp những hình ảnh “hướng về đồng bào bão, lũ”. Trên những cung đường ngập lụt, có nguy cơ sạt lở cao, hàng trăm chuyến xe cứu trợ 0 đồng từ miền Trung, miền Nam và các địa phương trên cả nước nối đuôi nhau, gấp rút vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ đến vùng lũ. Và thật xúc động, trên những chuyến xe nghĩa nghĩa tình đó có hàng nghìn chiếc bánh chưng, bánh tét được người dân Đà Nẵng, Quãng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội gói xuyên đêm để vận chuyển kịp thời đến đồng bào miền Bắc. Những chiếc bánh nghĩa ấy không đơn giản chỉ là “cứu đói” mà còn gói ghém bên trong tình yêu thương, tình đoàn kết dân tộc, góp phần động viên, tiếp sức đồng bào vùng lũ, vùng sạt lở nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, hơn bao giờ hết, câu tục ngữ thực sự có ý nghĩa ở thời điểm này. Nhiều đội tình nguyện từ Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để hỗ trợ giải quyết hậu quả của cơn bão. Các nhà xe, nhà tàu tham gia đóng góp bằng vận chuyển người và hàng hóa miễn phí. Mỗi người một tấm lòng, một sự đóng góp, làm cho tình đồng bào sâu đậm hơn, lòng người ấm áp hơn.

Đáng trân trọng hơn nữa, khi tinh thần đoàn kết, tinh thần thương thân tương ái, thể hiện rõ khi các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, dù thiệt hại rất nặng nề sau bão vẫn “nhường” suất cứu trợ của Trung ương (100 tỷ đồng/địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3 ngày 8/9) cho các địa phương khác khó khăn hơn. Sau khi Quảng Ninh và Hải Phòng báo cáo tự cân đối nguồn lực địa phương, ngày 9/9/2024, Thủ tướng quyết định hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho 5 tỉnh khắc phục hậu quả bão số 3 là: Nam Định, Hải Dương, Yên Bái Thái Bình và Hưng Yên.

Cùng với công tác khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão, việc quyên góp cứu trợ người dân cũng đã nhanh chóng được triển khai. Chiều 10/9/2024, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3. Tại Lễ phát động, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm và các địa phương đã đăng ký ủng hộ số tiền trên 407 tỷ đồng. Căn cứ tình hình thiệt hại và điều kiện thực tế của các địa phương, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương thống nhất hỗ trợ đợt 1 cho 20 địa phương bị thiệt hại với tổng số tiền là 380 tỷ đồng.

Những chương trình ủng hộ, quyên góp vẫn đang tiếp tục tăng lên. Số tài khoản tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng giờ, từng phút đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Tính đến 17 giờ ngày 12/9/2024, số tiền các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 527,8 tỷ đồng.

Những câu chuyện ấm tình người

Trong cơn bão số 3, triết lý sống của người Việt Nam như “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách” và “thương người như thể thương thân” đã được hiện thực hóa một cách cảm động. Những câu chuyện ấm tình người hiện diện ở khắp nơi.

Đó là hình ảnh người thanh niên đã dũng cảm lao ra giữa sông Hồng chảy siết để cứu nạn nhân bị rơi do sập cầu Phong Châu; là những chiếc ô tô đi thật chậm để chắn gió cho người đi xe máy được an toàn; đó còn là câu chuyện cảnh sát giao thông cứu tài xế hoảng loạn trong xe ô tô bị cây bên đường đổ xuống; những khách sạn, căn hộ mở cửa miễn phí cho người cần nơi trú ẩn… Những câu chuyện tưởng chừng nhỏ bé ấy lại chứa đựng những giá trị lớn lao về lòng nhân ái và sự sẻ chia.

Cùng với đó, nhiều đoàn thiện nguyện từ mọi miền đất nước đã nhanh chóng tìm đến các vùng bão lũ ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai… giúp người dân khắc phục hậu quả. Tối 9/9/2024, khi trời vẫn đang mưa khá nặng hạt, hàng chục chiếc xuồng được một nhóm hộ dân ở khu vực bến Yến (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) lần lượt chất lên xe tải, đi thành nhiều chuyến lên Thái Nguyên. Không chỉ thế, người dân chùa Hương còn bố trí cả tay chèo có kinh nghiệm, di chuyển ngay trong đêm để có thể trực tiếp tham gia ứng cứu người dân đang bị ngập lụt. Và cũng thật cảm động, nhóm 9 ngư dân cùng bốn chiếc thuyền đi biển của vùng Lệ Thủy (Quảng Bình) đã ra cứu hộ dân vùng lũ Thái Nguyên. Đây đều là những ngư dân có kinh nghiệm nhiều năm đi biển. Nghe tin lũ lụt dâng cao đe dọa nhiều khu vực ở các tỉnh phía Bắc, nhóm đã xin ý kiến chính quyền địa phương và lên đường đi cứu dân vùng lũ.

Còn có rất nhiều hành động nghĩa tình trong hành trình ứng phó cơn bão số 3 đã gây xúc động mạnh. Đâu đâu cũng quyên góp, ai ai cũng muốn chung tay chia sẻ, từ miếng cơm, tấm áo, chai nước, lọ dầu đến những vật dụng cần thiết nhất cho cuộc sống để giúp người vùng lũ vượt qua cơn hoạn nạn. Rất nhiều những người mẹ, người chị thức cả đêm gói bánh chưng, gói đồ ăn vào túi hút chân không; rất nhiều những người bố, người anh trai từ tận miền Nam, miền Trung, các tỉnh miền Bắc đã chất hàng đầy lên những thùng xe rồi không ngại khó lái xe hàng trăm, hàng nghìn cây số để chở đồ đến những nơi người dân đang chịu ảnh hưởng của bão. Nhiều căn bếp nhỏ đã trở thành trung tâm của các hoạt động cứu trợ với hàng nghìn suất cơm của đồng bào cả nước gửi đến những nơi sơ tán, những người còn kẹt lại trong ngôi nhà nước dâng.

Ai cũng trở thành mạnh thường quân, từ các văn nghệ sĩ, những người nổi tiếng, giới trí thức đến những cụ già còng lưng cõng thùng mì, quần áo cũ đến đóng góp ở điểm tiếp nhận cứu trợ; từ nguồn của cán bộ, công nhân đóng góp từ ngày công, ngày lương đến những em học sinh đã gửi quà tặng và lời nhắn nhủ yêu thương đến các bạn và đồng bào vùng lũ.

Không nén được xúc động và niềm thương xót, GS.TS Lê Ngọc Thạch – giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) – cầm cuốn sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng đến Tòa soạn Báo Tuổi trẻ gửi “chút yêu thương” cho đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại bởi bão lũ với suy nghĩ: “Có thể 1 tỷ đồng là nhiều với đóng góp của một cá nhân, nhưng cũng chỉ là hạt cát so với những thiệt hại mà đồng bào miền Bắc đang gánh chịu”. Không chỉ đồng bào trong nước, tinh thần “Lá lành đùm lá rách” còn lan tỏa ra cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Vừa chuyển 50 triệu đồng ủng hộ theo lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chị Nguyễn Thu Hà còn kêu gọi các kiều bào sinh sống tại Đức cũng như châu Âu chung tay ủng hộ đồng bào bị bão lụt.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng đã chung tay ủng hộ đồng bào vùng lũ qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ. Ca sĩ Hà Anh Tuấn đóng góp 1 tỷ đồng, ca sĩ Tùng Dương và nhóm bạn góp 500 triệu đồng, ca sĩ Mỹ Tâm góp 200 triệu đồng… Nhiều nghệ sĩ đã lên đường, trực tiếp tham gia hỗ trợ đồng bào đang chịu ảnh hưởng của lũ lụt… Trong bối cảnh cấp thiết hiện tại, mọi hoạt động đóng góp vật chất, động viên và chia sẻ tinh thần, cứu trợ tại hiện trường, làm cầu nối cho hoạt động quyên góp cứu trợ đều đáng quý. Ai cũng dốc lòng vì nghĩa đồng bào.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Nơi nào mưa bão khốc liệt nhất, nơi đó luôn có mặt các cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an lăn xả, bất chấp hiểm nguy, tính mạng, vì nhân dân. Trong những giây phút cam go nhất, người dân vẫn vững tin vào sự bảo vệ, trợ giúp các chiến sĩ công an, quân đội. Hàng nghìn chiến sĩ công an, bộ đội không quản hiểm nguy, lao mình vào dòng nước giúp nhân dân sơ tán, cứu trợ. Các anh ướt để nhân dân được khô ráo, an toàn, là điều hiển nhiên mà các anh sẵn sàng chấp nhận. Đối với các anh, nhân dân chính là gia đình, là người thân, là cô bác, cha mẹ, anh em của mình và sự hy sinh của họ cho gia đình mình không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà là sự thôi thúc từ trái tim.

Chính vì vậy trên trời mưa giăng kín mặt, dưới đất bùn ngập lút chân, cũng không ngăn được tinh thần làm việc hăng say, quên mình của cán bộ, chiến sĩ. Hình ảnh hàng trăm cán bộ công an, quân đội dầm mưa, chèo xuồng đến từng nhà, trèo tường để đỡ từng người dân, nhất là người già, trẻ em xuống, đưa đến nơi an toàn; những người lính cứu hộ bới đất để cứu người bị vùi do sạt lở khiến cộng đồng xúc động. Những khoảnh khắc hiểm nguy nhưng đầy nghĩa tình lan truyền trên mạng xã hội, nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận cảm động.

Tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, các chiến sĩ quân đội vào sâu trong những ngõ nhỏ để đưa người dân ra đến nơi an toàn. Còn tại Hòa Bình, ngay trong đêm, giữa dòng nước lũ chảy xiết, hơn một giờ đồng hồ, tổ công tác công an huyện Lương Sơn với 15 cán bộ chiến sĩ tìm mọi cách cứu người phụ nữ đang mang thai 6 tháng mắc kẹt trong lũ.

Sau khi chở người dân ra khỏi vùng lũ, bộ đội lại dầm mình đẩy thuyền chở theo cơm, lương thực, thực phẩm, nước vào cho những người ở lại. Dù phải ngâm mình trong nước nhiều giờ, những người lính vẫn nở nụ cười khi những người dân ra lấy đồ ăn, thức uống. Ngay khi nước một số khu vực rút, các chiến sĩ lại nhanh chóng vào cùng người dân dọn dẹp nhà cửa. Nhiều khu vực nhà cửa bị sập hoàn toàn, các anh cũng nhanh chóng có mặt để hỗ trợ bà con.

Và đã có những đau thương, mất mát đến nghẹn lòng. Sự hy sinh của các chiến sĩ: Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm (Đại đội 3, Tiểu đoàn Công binh 1, Lữ đoàn

Công binh 513, Quân khu 3), Trung tá Trần Quốc Hoàng (Cán bộ Trại tạm giam Quảng Ninh, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an) và Thiếu tá Tăng Bá Hưng (Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Vận tải 653, Cục Hậu cần Quân khu 3) là hình ảnh in đậm mãi trong trái tim người ở lại về phẩm chất cao đẹp của lực lượng công an, quân đội.

Bên cạnh bóng áo xanh của người lính, bên sắc phục của các chiến sĩ công an còn có màu áo cam của các công nhân điện lực, màu áo chàm của các đội công nhân môi trường đô thị, màu áo thiên thanh của những đoàn viên thanh niên, bộ quần áo lấm lem bùn đất của cán bộ địa phương… Không thể không xúc động trước hình ảnh các cán bộ, nhân viên của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh đã đến Hà Nội và Hải Phòng để hỗ trợ các địa phương thu dọn, cắt tỉa các cây xanh gãy đổ ngay khi cơn bão Yagi vừa đi qua. Cũng trong những ngày hỗ trợ khắc phục sự cố lưới điện vừa qua, một công nhân điện lực từ Vĩnh Phúc về hỗ trợ cho Quảng Ninh đã gặp nạn khi làm nhiệm vụ… Nhiều tình nguyện viên từ những tỉnh, thành phố khác nhau, khi nghe đồng bào hoạn nạn đều tìm cách có mặt nhanh nhất tại hiện trường, cùng địa phương chung sức dọn dẹp, nỗ lực cứu dân, cố gắng sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.

Rồi đây sẽ cần rất nhiều thời gian mới có thể tái thiết lại những cây cầu, những con đường, những ngôi nhà, những bản làng. Cần nhiều thời gian mới nguôi ngoai nỗi đau mất người thân. Dù vậy, bão lũ rồi sẽ qua, nhưng tình dân tộc, nghĩa đồng bào vẫn luôn toả sáng! Đó là nét đẹp truyền thống, nguồn sức mạnh to lớn, “tấm khiên” chắn vững chắc để dân tộc ta vượt qua mọi thử thách, nguy nan, chiến thắng mọi thiên tai, địch họa.

Exit mobile version