Site icon 33WIN

Mãnh hổ và thần đèn trong “tạo sáng” Đông Sơn

Mãnh hổ và thần đèn trong "tạo sáng" Đông Sơn - Ảnh 1.

Trong kỳ 8 và cũng là kỳ cuối của loạt bài “Tạo sáng Đông Sơn”, tôi xin kể vể 2 cây đèn độc đáo có chân đèn hình mãnh hổ hoặc hình “Thần đèn”.

1. Khoảng chục năm trước, Bảo tàng Lào Cai được thông báo phát hiện một khối lượng đồ đồng Đông Sơn rất lớn trên đỉnh đồi một gò núi cao nhìn xuống sông Hồng thuộc địa phận phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai. Khi cán bộ bảo tàng có mặt thì di vật đã được dân chúng mang về nhà và phát tán đến tay những nhà sưu tầm cổ vật. Tuy nhiên, những đồ vỡ, hỏng còn lại do khai thác bằng máy xúc đất cũng còn lại ba, bốn chục hiện vật.

Đây là một kho của hoặc đúng hơn là đồ tùy táng của một nhân vật giàu có và quyền lực lớn vào loại nhất của nhóm qúy tộc Đông Sơn Tây Âu chôn cất ở Lào Cai đã phát hiện rải rác từ đầu những năm 1990 đến nay. Riêng số trống đồng Đông Sơn còn có thể kiểm đếm được từ sưu tập Bắc Cường này đã tới gần chục chiếc. Năm 2014, tôi có tiếp cận với sưu tập Bắc Cường và đã thông báo sơ bộ kết quả nghiên cứu trên diễn đàn khảo cổ học toàn quốc năm đó.

Buổi “rì rầm” thường lệ hàng tuần hôm nay, tôi chỉ muốn giới thiệu một hiện vật tạo sáng to lớn và độc đáo hạng nhất của quý tộc Đông Sơn Tây Âu trong sưu tập này. Đó là bộ chân đèn hình hổ nằm, bằng đồng có thếp vàng toàn thân.

Trước mắt chúng ta là phần lớn còn lại của một khối tượng hổ nằm đúc rỗng dài khoảng 70cm. Phần đầu, đuôi và một chân đã mất. Nếu phục dựng toàn thân con hổ nằm này có thể dài trên một mét, rộng ngang thân khoảng 25 – 30 cm. Các vết vằn trang trí trên thân giúp dễ dàng khẳng định đây là hình mô phỏng một con hổ gợi hướng nghĩ chủ nhân thuộc nhóm Ba Thục – những người tôn thờ thần hổ.

Theo như lời một nhà sưu tầm đã từng chứng kiến sưu tập này trước khi phát tán thì trong số đồ tùy táng còn có một chuông đồng Ba Thục điển hình với tay cầm là một hình hổ phục. Hiện tại, trong số hiện vật Bảo tàng Lào Cai thu lại được còn có một chiếc “lôi” điển hình của đồ đồng Ba Thục. Đương nhiên, chủ nhân ngôi mộ rõ ràng là quý tộc Đông Sơn với tỷ lệ đồ Đông Sơn chiếm số lượng tới trên 80%, trong đó có hàng chục trống, thạp, nồi Đông Sơn tiêu biểu và một chiếc nẫy nỏ đồng thế kỷ 3 – 4 trước Công nguyên. Trong những bài sau tôi sẽ nói đến tính chất đa dạng tộc người trong chủ nhân Đông Sơn. Việc quý tộc Đông Sơn dùng các đồ nội thất, vũ khí, trang sức cao cấp từ các nền văn hóa láng giềng là chuyện bình thường.

Nhờ vết khoanh tròn trên phần đầu con hổ nằm thếp vàng mà chúng tôi dễ dàng nhận ra đó là phần chân còn lại của một cây đèn lớn. Những phần đĩa đèn còn rơi rớt lại trong sưu tập này có thể khẳng định là chúng thuộc về cây đèn này. Các đĩa đèn có tăm nhọn cơi bấc ở giữa, có tay cầm và chốt rỗng ở chính giữa đáy để cắm vào phần cành nhọn chờ sẵn là hiện vật thường thấy trong các mộ quý tộc Đông Sơn.

Kích cỡ “khủng” của phần đế chân đỡ hình hổ và vết chân cột hình tròn rộng gần 10cm cho phép dự đoán cây đèn có thể cao khoảng 150cm. Số lượng đĩa đèn trên “cây” đèn này đạt tới hàng chục chiếc.

Hiện tại Bảo tàng Lào Cai chỉ còn lưu giữ được phần chân đế hình hổ và vài khay đèn rời. Tuy nhiên, với kích thước khối tượng lớn vào loại nhất hiện nay trong văn hóa Đông Sơn, lại được thếp vàng tỷ mỷ trên toàn thân, chúng ta có thể đánh giá vị thế rất cao của chủ nhân ngôi mộ.

Trong khối tượng chân đế đầu tiên của loạt bài này, tôi đã nhắc đến hình ba con hổ trấn giữ ba góc của khối chân đế hình “Ba Vì”, bên trên có thần đèn đội rồng đón ánh sáng. Chân đế đặc tả hổ mạ vàng trong bài này xác nhận yếu tố mãnh hổ trong tâm linh ánh sáng của Đông Sơn. Chúng ta đã lần lượt ghi nhận các linh thú gắn liền với “tạo sáng” Đông Sơn.

2. Phần cuối cùng của loạt bài này, tôi muốn dành cho chiếc chân đèn nổi tiếng nhất đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia, đó là chân đèn tượng người Lạch Trường.

Đây là khối tượng người đỡ đèn hết sức rõ ràng và có kích thước cao, rộng đáng nể trọng. Đã có quá nhiều bài viết đề cập đến khối tượng này. Tôi dành vị trí kết thúc loạt bài Tạo sáng Đông Sơn để nói về những điều ít biết và đáng nói nhất liên quan đến bảo vật này.

Trong cuộc đời làm khảo cổ của tiến sĩ khảo cổ học gốc Thụy Điển Olop Janse gắn liền với công trình nghiên cứu ba tập Khảo cổ học Đông Dương, trong đó ông dành nhiều trang nhất cho chuỗi khai quật của mình ở Thanh Hóa, gắn với một phát hiện đã đưa tên tuổi ông lan tỏa trên toàn thế giới: pho tượng chân đèn Lạch Trường. Đến nỗi, sau này gần cuối đời, ông đã dành riêng một cuốn hồi ký kể về cây đèn này.

Vào khoảng giữa những năm 1930, nhà khảo cổ học trẻ gốc Thụy Điển đã được giới hàn lâm nhân văn học Pháp để ý đến. Trước đó, một bậc thầy của Janse là Anderson đã từng khai quật và làm chấn động thế giới nhờ phát hiện và khai quật ở Ngưỡng Thiều, mộ thẻ tre đời Thương Ân Khư (Trung Quốc). Hiểu biết về khảo cổ học Đông phương của các học giả người Thụy Điển khi đó rất được kính nể. Olop Janse đã được chọn và sau khi liên kết được tài chính của mấy bảo tàng châu Âu, Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) chính thức mời Olop Janse sang Đông Dương khai quật.

Có thể nói rằng, trước Janse, những hoạt động khảo cổ học tại Đông Dương đều do các nhà địa chất (Mansuy, Colani..), mỹ học (Parmentier…), nhân học (Patte, Goloubev…) thực hiện và công bố. Vì thế, công cuộc khảo cổ học của Janse ở Đông Dương được giới hàn lâm nhân văn toàn thế giới mong đợi. Đó cũng là điều giải thích tại sao hiện vật của chuyến công vụ khảo cổ của Janse lại rải rác lưu giữ ở nhiều bảo tàng khác nhau trên thế giới, trong đó bảo tàng của EFEO chỉ là một mà thôi. Rất may, báu vật cây đèn Lạch Trường đã nằm lại với chúng ta ở Việt Nam.

Cây đèn được Olop Janse công bố lần đầu trong công trình Khảo cổ học Đông Dương cùng một số cây đèn đồng khác. Theo hồ sơ khai quật, cây đèn được phát hiện ở phần cửa một hầm mộ gạch kiểu Hán thuộc Lạch Trường (Thanh Hóa). Qua nhiều lần tẩy gỉ, gắn chắp chân cây đèn Bảo vật Quốc gia hiện nay được coi như hoàn chỉnh và đẹp nhất.

Khối tượng là phần chân đỡ của một cây đèn. Do ngôi mộ còn khá nguyên vẹn, nên mức độ bảo nguyên còn khá tốt. Tuy vậy, ngay khi đến tay nhà khảo cổ chủ trì khai quật khi đó là Olop Janse, một số đĩa đèn gắn với thân tượng và các cành nhánh dựa vào thân tượng đã không còn nữa. Theo logic tâm linh táng thức đương thời, cây đèn được đổ đầy dầu và thắp sáng trong suốt quá trình tang lễ và được đốt sáng, đặt phía chân quan tài trong hầm mộ chính, ngay cả khi lấp đất tạo thành gò mộ.

3. Đã có nhiều nghiên cứu, dựa vào sự phổ biến của các tượng nô lệ bưng đèn đương thời để cho rằng người bưng đèn trong hầm mộ Lạch Trường là một nô lệ quý tộc. Nhưng dõi theo toàn tuyến nghiên cứu về “Tạo sáng Đông Sơn”, tôi xếp bức tượng vào hệ “thần đèn” Đông Sơn trong hệ tâm linh ảnh hưởng Ấn Độ giáo ở xứ Thanh đương thời mà tôi sẽ viết kỹ hơn trong chuyên mục “Thế giới đa dạng tộc người Đông Sơn”.

Ngắm kỹ thần thái và phục trang, bức tượng hiện lên vóc dáng vương giả của một vị thần hơn là một nô lệ. Đây là một vị nam thần có nhiều núm tóc xoăn, trán đội vương miện với biểu tượng hình chữ V như một biến dạng của vành trăng lưỡi liềm ngửa hất lên. Cổ và thắt lưng sệ dưới rốn được trang trí rất kỹ, cùng với trang sức đeo cổ, đeo tay đầy quyền uy, quý phái.

Mọc ra từ thân thể vị thần là gần chục “tiểu thần tiên” chầu ở xung quanh chân đế và ở các thân nhánh cành trang điểm bện thừng rất đẹp, trên đó đỡ những khay dầu cấp sáng cho các ngọn lửa thần. Vị thần đèn dùng hai tay của mình để bưng khay đèn chính trước ngực. Rực rỡ ánh sáng trên đỉnh đầu là một khay đèn nhờ nhánh cành mọc từ đỉnh chóp, nơi chỉ hiện còn một hình chóp nhọn đỡ chân đĩa đèn.

Có thể đĩa đèn này làm bằng vật liệu hữu cơ như ngà voi, sừng tê nên không còn lại được. Hai vai thần đèn là hai khay sáng khác mọc từ cành nhánh nơi bắp cánh tay đeo vòng. Phía sau lưng thần đèn cũng là nơi mọc lên một cành nhánh nữa, tạo ra một nguồn sáng đối xứng với khay đèn do hai tay thần đèn đang dâng đỡ.

Trên bàn thờ cũng như trong hầm mộ, cây đèn trở thành một chùm ánh sáng rực rỡ linh thiêng đang được toát ra và bao quanh bởi vị thần đèn đáng kính, tiếp tục đưa linh hồn chủ nhân ngôi mộ đến với một thế giới thần linh khác.

(Đón đọc loạt bài kỳ sau về “Tạo hương” Đông Sơn”)

Exit mobile version